Ảnh minh họa: TTXVN

Theo trang tin Bloomberg, ngày càng bị hạn chế về các dịch vụ tài chính và ngân hàng phương Tây, những cá nhân giàu có nhất nước Nga đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải chuyển giao tài sản cho thế hệ tiếp theo. Hầu hết các tỷ phú Nga bị phương Tây trừng phạt đều chọn cách chuyển tài sản về nước.

Bloomberg bình luận rằng số phận của khối tài sản khổng lồ này có ý nghĩa lớn đối với Nga vì nước này phần lớn vẫn bị cắt đứt khỏi phần còn lại của thế giới. 26 người Nga trong có mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Bloomberg có tổng tài sản khoảng 350 tỷ USD. Độ t.uổi trung bình của họ là 63, có nghĩa là cách thức và nơi họ chọn để chuyển giao tài sản trong những thập kỷ tới sẽ có ảnh hưởng tới nền kinh tế và các lĩnh vực kinh doanh của Nga.

Hai tỷ phú giấu tên nói với Bloomberg rằng giờ đây họ chỉ có thể kinh doanh ở Nga. Một tỷ phú khác bị phương Tây trừng phạt đã chuyển tài sản về nước và người này cho biết vẫn chưa tìm ra cách giải quyết vấn đề kế thừa, nhưng ông và gia đình đã phải tìm cách xây dựng cuộc sống mới ở Nga.

Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh tháng trước, Điện Kremlin đã nắm quyền kiểm soát khoảng 180 công ty trị giá khoảng 11,5 tỷ USD kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.

Trong động thái mới nhất của phương Tây liên quan phong tỏa tài sản Nga ở nước ngoài, các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về nguyên tắc rằng sẽ sử dụng lợi nhuận từ các tài sản này để hỗ trợ Ukraine.

Các nước phương Tây đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu vào năm 2022. Khoảng 2/3 số tài sản đó nằm tại công ty dịch vụ tài chính Euroclear có trụ sở tại Bỉ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Tôi hoan nghênh thỏa thuận chính trị về đề xuất sử dụng số t.iền thu được từ tài sản cố định của Nga để chuyển cho Ukraine”.

Trong khi Mỹ đề xuất tịch thu hoàn toàn tài sản Nga theo một đạo luật mới được thông qua, thì EU lại do dự hơn vì lo ngại những rắc rối về mặt pháp lý và tài chính khi tịch thu tài sản Nga.

Về phần mình, ngày 23/4, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Valentina Matviyenko cảnh báo châu Âu rằng Nga đã sẵn sàng dự luật đáp trả nếu như gần 300 tỷ USD tài sản Nga bị phương Tây tịch thu và dùng để giúp Ukraine.

“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Chúng tôi có sẵn dự luật và sẽ cân nhắc ngay lập tức để làm biện pháp đáp trả. Khi đó châu Âu sẽ tổn thất nhiều hơn chúng tôi”, hãng thông tấn RIA dẫn lời bà Valentina Matviyenko.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cáo buộc phương Tây đã phát động một cuộc chiến kinh tế chống Nga. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo khẳng định Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây và phục hồi kinh tế, đạt được tốc độ tăng trưởng 3,6% vào năm 2023.

Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố bất kỳ hành động tịch thu tài sản nào sẽ đi ngược lại tất cả các nguyên tắc của thị trường tự do mà phương Tây tuyên bố và sẽ làm suy yếu niềm tin vào đồng USD và đồng euro, đồng thời ngăn cản đầu tư toàn cầu và làm suy yếu niềm tin vào các ngân hàng trung ương phương Tây.

Một số quan chức Nga cho rằng nếu tài sản của Nga bị tịch thu thì tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài bị mắc kẹt ở Nga có thể phải đối mặt với số phận tương tự. Hiện chưa rõ chính xác giá trị của các tài sản phương Tây còn kẹt ở lại Nga.

Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin ngày 22/4 cho biết Nga có cơ sở để tịch thu tài sản của phương Tây.